Tụ Hiền Trang Wiki
Advertisement

Giới thiệu

Thiên Long Bát Bộ là một tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, được biết đến ở Việt Nam dưới tên khác là Lục Mạch Thần Kiếm ( bản dịch cũ ). Lúc trước, bộ này được Kim Dung viết thành 3 phần : Thiên Long Bát Bộ, Lục Mạch Thần KiếmTiêu Phong-A Tử truyện, về sau ghép lại thành Thiên Long Bát Bộ.

Đây là bộ tiểu thuyết, theo nhiều người đánh giá, là hay nhất và vĩ đại nhất của Kim Dung, với bối cảnh rộng lớn, nhân vật đa dạng, võ công phong phú tinh kỳ bậc nhất cùng với tư tưởng chủ đạo sâu sắc.

Truyện xoay quanh 3 nhân vật chính là Đoàn Dự, Tiêu PhongHư Trúc. Đây là bộ truyện duy nhất của Kim Dung có tới 3 nhân vật chính. Nhưng theo nhiều đánh giá, thì trong bộ truyện này, mỗi nhân vật đều có thể được xem như là nhân vật chính.

Với tác phẩm này, Kim Dung muốn nói đến mối quan hệ nhân - quả giữa chính bản thân các nhân vật với gia đình, xã hội, dân tộc, đất nước thông qua những ân oán tình thù của giới võ lâm giang hồ, xen lẫn những xung đột quyền lực, chính trị, quân sự của các nước.

Bối cảnh trải dài từ Đại Lý nhỏ bé phương Nam đến Đại Tống ở Trung nguyên, Đại Liêu (Khất Đan) phương Bắc, Tây Hạ trời Tây. Ngoài ra còn có các nước Thổ Phồn, Đại Yên (đã bị diệt) và tộc Nữ Chân (mà sau này lập nên nhà Kim). Nếu tính mốc thời gian trong truyện thì đây là thời điểm sớm nhất trong các bộ truyện (trừ Việt Nữ Kiếm) và có 1 ít quan hệ với Xạ Điêu tam bộ khúc ( nhưng phải sau lần chỉnh sửa mới nhất của Kim Dung thì mới hoàn chỉnh).

Ý nghĩa tiêu đề

Đây là bộ duy nhất mà Kim Dung phải dành ra một bài viết giải nghĩa cái tên Thiên Long Bát Bộ. Thực chất, trong truyện không có chi tiết nào có tên như vậy, hoặc liên quan đến, ngoại trừ Thiên Long trong Thiên Long Tự.

Tựa đề của Thiên Long Bát Bộ xuất phát từ kinh Phật, nói về cái phức tạp và đa dạng của con người trong xã hội. Đó là tám loại phi nhân có sức mạnh hơn người nhưng không phải là người: Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Gia. Tám loài này do Thiên và Long đứng đầu nên gọi là Thiên Long Bát Bộ.

  • Thiên là Thiên Thần (Deva), trong Phật giáo không phải là cao hơn hết nhưng chỉ được hưởng phúc báu lâu dài, to lớn hơn người mà thôi. Thiên thần vẫn còn trong cõi sinh tử, có sống có chết. Trước khi chết thiên thần sẽ có năm triệu chứng: quần áo mủn nát, hoa trên đầu héo hon, thân thể ô uế, nách chảy mồ hôi, đứng ngồi không yên là thời kỳ đau buồn nhất của các thiên thần. Có mười hai thiên thần quan trọng nhất tượng trưng cho tám hướng và bốn tinh thể của vũ trụ mặt trời, mặt trăng, bầu trời và mặt đất. Đế Thích là lãnh tụ của mọi thiên thần.
  • Long là Long Thần (Naga), nhưng rồng trong kinh Phật không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn. Quan niệm về rồng và về Long Vương của Trung Hoa chính là vay mượn từ trong kinh Phật mà ra. Người Ấn Độ ngày xưa rất sùng bái Long Vương, cho rằng rồng là chúa tể các loài trong nước nên người Trung Hoa thường dùng chữ long để chỉ những gì cao quí và đức hạnh. Trong kinh có chép là một con rắn tên là Mucilinda da cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão và nhiều con rắn thần khác thường giả dạng người đến để nghe Thế Tôn thuyết pháp.
  • Dạ Xoa là một loại quỉ thần (nguyên nghĩa dạ xoa là thần ăn được quỉ), rất mẫn tiệp, nhẹ nhàng, chia làm ba giống ở trên đất, trên chốn không hư và trên trời. Ngày nay nói đến dạ xoa chỉ hàm một nghĩa ác quỉ (chắc tại ảnh hưởng của truyện Tây Du Ký) nhưng trong kinh Phật thì có nhiều dạ xoa rất tốt. Dạ Xoa Bát Đại Tướng có nhiệm vụ bảo hộ chúng sinh.
  • Càn Thát Bà (Apsaras) là một giống không ăn thịt, không uống rượu chỉ sống bằng mùi hương là một trong những nhạc thần phục thị Đế Thích, thân thể có mùi thơm. Theo nghĩa Phạn văn, Càn Thát Bà có nghĩa là biến ảo khôn lường vì mùi hương và âm nhạc đều mênh mang không sao cân đo được.
  • A Tu La (Ashura) là một loại thần đặc biệt, đàn ông thì thật xấu xa còn đàn bà thì thật xinh đẹp. A Tu La Vương thường đánh nhau với Đế Thích vì một bên có đồ ăn, một bên có mỹ nữ nên thường muốn chiếm đoạt của nhau. A Tu La tính tình đố kỵ thích tranh giành là một trong những ẩn dụ của nhà Phật để nói về tính xấu xa của con người.
  • Ca Lâu La (Garuda) là một giống chim lớn, đầu có một cái bướu to gọi là Như Ý Châu. Loài chim này tiếng kêu bi thảm, trong thần thoại Trung Hoa gọi là Đại Bàng Kim Sí Điểu (chim đại bàng cánh vàng) mà danh tướng Nhạc Phi là hóa thân đầu thai. Giống chim này thích ăn rồng, mỗi ngày phải bắt được một long vương hay 500 con rồng con để ăn thịt. Vì nó ăn thịt rồng (độc xà) nhiều quá nên khi chết chất độc xông lên cháy tiêu thành tro, chỉ còn một trái tim xanh biếc. Hình của chim này thầy nhiều ở các đền thờ tại Cam Bốt.
  • Khẩn Na La giống người mà không phải là người, đầu có sừng, giỏi múa hát cũng là nhạc thần của Đế Thích.

  • Ma Hầu La Gia là một vị thần rắn cực lớn, thân hình là người nhưng đầu là đầu rắn.

Nhân vật

  • Đoàn Dự: là vương tử nước Đại Lý, dáng vẻ thư sinh, tính hay si, sùng đạo Phật, ghét bạo lực, thẳng thắn, nhiều khi hơi gàn. Không chịu học võ nên võ công lúc linh nghiệm lúc không. Xuất hiện đầu tiên
  • Tiêu Phong: tức Kiều Phong, bang chủ Cái Bang, được xếp vào hàng cao thủ tuyệt đỉnh thông qua câu Bắc Kiều Phong Nam Mộ Dung. Là người thiên bẩm võ học, xứng đáng là 1 đại trượng phu. Thực ra lại là người Khất Đan, bi kịch cuộc đời bắt đầu từ đó. Xuất hiện tiếp nối Đoàn Dự
  • Hư Trúc: ban đầu là 1 chú tiểu địa vị thấp kém của chùa Thiếu Lâm. Sau nhiều cơ duyên lần lượt phá giới (vô tình hoặc bất khả kháng) và học được 1 thân công phu kinh người, nhận ngôi chủ nhân Linh Thứu Cung và phò mã Tây Hạ. Tính hiền lành nhưng rất kiên định. Xuất hiện cuối cùng.

3 nhân vật trên kết nghĩa kim lan với nhau và đó chính là sợi dây dẫn xuyên suốt bộ truyện.

Ngoài ra còn các nhân vật phụ... có thể tham khảo thêm tại đây.

Advertisement